Dưới mái trường

Chúng tôi không luyện "gà chọi" để thi đấu Robocon

Nhà giáo nhân dân - Tiến sĩ (NGND.TS) Đỗ Hữu Tài là người từng trải qua nhiều vị trí trong hơn 40 năm gắn bó với ngành giáo dục: Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP. Biên Hòa), Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai, và đặc biệt gắn bó với Trường Đại học Lạc Hồng - đại học ngoài công lập quy mô lớn nhất Đồng Nai gần 17 năm nay. Trường đại học Lạc Hồng có thời điểm thu hút đến trên 20 ngàn sinh viên từ mọi miền cả nước với 25 chuyên ngành đào tạo.
NGND.TS Đỗ Hữu Tài tiếp chuyện phóng viên Báo Đồng Nai
Ở cương vị vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa là Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, NGND.TS Đỗ Hữu Tài cho rằng, tranh cãi đại học tư nên “vị lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” không quan trọng bằng việc giám sát chất lượng đào tạo thật chặt chẽ.
Đại học tư cần sự nhất quán chính sách
* Gần 20 năm gắn bó với Trường Đại học Lạc Hồng, ông băn khoăn điều gì nhất bên cạnh những thành công?
- Quá trình 17 năm hình thành và phát triển, một trong những điều khó khăn là chính sách về đào tạo đại học thay đổi liên tục, rất khó để phác họa một chiến lược lâu dài. Với tên tuổi Lạc Hồng, điều băn khoăn nhất của tôi vẫn là con người: chất lượng đội ngũ giảng viên, đầu vào sinh viên, chất lượng đầu ra… Tất cả đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Chúng tôi không tiếc kinh phí để đầu tư đội ngũ giảng viên và xem đó là mũi nhọn đột phá. Nói thay đổi phương pháp hay kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, làm việc nhóm…nhưng nếu không có những con người đủ tri thức và nhiệt huyết, hiển nhiên sẽ thất bại.
* Cuộc tranh luận của xã hội xoay quanh vấn đề đại học tư nên “vị lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” đang nóng bỏng. Vừa là một nhà đầu tư, vừa là một nhà giáo, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Tôi muốn bàn điều này trên bình diện chung của các đại học tư đã và đang hoạt động ở Việt Nam, không chỉ riêng với Lạc Hồng. Quy chế của Bộ GD-ĐT đưa ra trước nay là các đại học tư hoạt động như một doanh nghiệp, với sự tham gia đầu tư của các cổ đông. Dĩ nhiên, khi đã nhìn nhận như một doanh nghiệp thì những mâu thuẫn về quyền lợi, vốn đầu tư... giữa các cổ đông đôi khi sẽ diễn ra, như tại một vài trường đại học tư ở TP.Hồ Chí Minh gây xôn xao vừa qua.
Nhưng, vừa là một nhà đầu tư vừa là một nhà giáo, tôi cho rằng sự “giằng xé” giữa các mục đích của chính sách trong vấn đề đầu tư trường học là một trong những nguyên nhân chính khiến mọi việc rối rắm. Trước đây, Nghị định 73 của Thủ tướng định hình tất cả mọi trường học ngoài công lập đều là phi lợi nhuận. Điều này nghĩa là, các cổ đông bỏ tiền vào lập trường chỉ có thể hưởng lợi nhuận tối đa bằng 1,5 lần lãi suất huy động hiện hành, xem như là “hệ số rủi ro”. Tỷ lệ này tạm chấp nhận được. Ngoài ra, trường ngoài công lập được miễn giảm một vài nghĩa vụ về thuế. Đùng một cái, Nghị định 69 về chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục ra đời, tức là siết lại các điều kiện đầu tư trường học: đất đai, vốn, tỷ lệ mặt bằng trên đầu một sinh viên... Chẳng hạn, nghị định quy định trường có 10 ngàn sinh viên phải có 55 hécta đất. Nhiều trường lỡ dở, đặc biệt các trường ở đô thị. Chúng tôi phải đấu tranh mãi mới được nới lỏng. Cứ thế, các trường phải xoay xở liên tục vì sự thay đổi của chính sách.
* Có hay không mâu thuẫn giữa trường đại học “vị lợi nhuận” và chất lượng đào tạo? Nghĩa là nếu đã hoạt động vì lợi nhuận, cổ đông như một doanh nghiệp thuần túy thì khó cho ra những sinh viên tốt?
- Theo tôi thì chưa chắc đã có mâu thuẫn đó. Tôi có đọc ý kiến phản biện một vài trí thức nổi tiếng, nhưng hãy nhớ đó là xét trên môi trường các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu. Nhiều nhà tư bản bỏ tiền vào trường, thuê giảng viên điều hành và không vì lợi ích cá nhân. Nhưng, tại Việt Nam đã từng có nhà tư bản hoặc doanh nhân nào làm điều đó chưa? Và chúng ta liệu có thể chờ cho đến lúc có người chịu bỏ tiền vào một cách thiện nguyện như trên mới có trường học đáp ứng yêu cầu đào tạo? Tôi không nghĩ thế. Và vì thế, cần phải huy động vốn, huy động từ nhiều người thì phải có quy chế rõ ràng về nghĩa vụ và quyền lợi. Tôi nghĩ rằng, một phần khiến mâu thuẫn nảy sinh là do ngay từ đầu, các cổ đông chưa cùng nhau minh bạch rõ ràng về quy chế.
* Có ý kiến cho rằng, khó để có chất lượng đào tạo tốt ở một môi trường đại học tư “vị lợi nhuận”, bởi quan hệ giữa cổ đông - giảng viên là quan hệ chủ - người làm thuê. Vì thế khó có tự do học thuật. Theo ông, có thể giải quyết mâu thuẫn này không?
- Thực tế, về học thuật thì cổ đông không có quyền tham dự, trong quy chế ghi rõ. Bộ cũng không can thiệp quá sâu vào điều này, chương trình khung của các trường cũng không quá cứng nhắc như trước và các trường có quyền quyết định sẽ đào tạo điều gì, giảng viên cũng có đủ quyền trong việc trao đổi và truyền thụ kiến thức. Ở Việt Nam, tự do học thuật đang xoay quanh mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, để có những sản phẩm mà xã hội có thể dùng.
Điều cần có là Nhà nước có một quy chế nhất quán, xóa bỏ sự giằng co trong quan điểm quản lý: coi đại học tư như doanh nghiệp thuần túy hay như một loại hình doanh nghiệp đặc biệt cũng được, nhưng cần minh bạch về quy chế quản lý từ tài chính đến con người. Chính sự giằng co này mới khiến mọi việc rối lên. Cần giám sát chặt chẽ đặc biệt về chất lượng từng trường.
Chúng tôi không “luyện” gà chọi
* Mặc dù khá nổi bật ở vài phương diện và tiếng tăm ngày một vang xa, nhưng thực tế nhiều người vẫn băn khoăn chất lượng sinh viên tốt nghiệp từ trường ngoài công lập, trong đó có Lạc Hồng. Ông nghĩ gì về điều này?
- Trước kia, thậm chí có doanh nghiệp chỉ cần nghe tiếng sinh viên tốt nghiệp từ các trường ngoài công lập là từ chối nhận. Tôi rất xấu hổ và đau lòng, và chúng tôi quyết tâm dần dần loại bỏ suy nghĩ này. Mục tiêu đầu tư của chúng tôi là bám sát nhu cầu của xã hội. Thế mạnh của trường là có tiềm lực và có “quyền” đầu tư, nới rộng hơn các trường công vì họ vướng cơ chế nhiều hơn. Chúng tôi thưởng rất cao những thành tựu nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Đâu có trường công nào dám thưởng 150 triệu đồng cho một bài báo của giảng viên đăng trên tạp chí khoa học quốc tế? Chúng tôi dám, và dám làm để khuyến khích.
* Nghĩa là ông đã hài lòng với chất lượng sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Lạc Hồng?
- Thẳng thắn mà nói về chất lượng sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Lạc Hồng, nói thực tôi chưa hài lòng 100%. Mặc dù so với mặt bằng chung, chúng tôi có thế mạnh là đào tạo sinh viên sát với nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhóm ngành khoa học kỹ thuật và sản xuất. Nhưng chúng tôi sẽ cải thiện hơn nữa và có chiến lược rõ ràng để cải thiện điều đó.
Điểm yếu lớn nhất là đầu vào của Lạc Hồng kém so với mặt bằng chung. Đó là thực tế phải chấp nhận của các trường ngoài công lập, không riêng Lạc Hồng. Chúng tôi phải làm hết sức để “uốn” những sinh viên có điểm đầu vào thấp, và đương nhiên không thể thành công với tất cả, nhưng tôi nghĩ mục tiêu của chúng tôi là đúng hướng: không đào tạo những điều quá cao siêu, mà trước mắt cố gắng đào tạo nên những sinh viên có thể làm việc theo nhu cầu xã hội.
* Trường Đại học Lạc Hồng nổi đình nổi đám với chiến thắng liên tục của các đội Robocon cả ở tầm khu vực và trong nước. Có được điều này là do trường “không tiếc tiền đầu tư để làm thương hiệu” chăng?
- Nhiều người hỏi tôi câu này. Nhưng tôi chia sẻ thật, chúng tôi không đào tạo “gà chọi” để đi thi đấu. Còn hiểu đó là một trong những cách làm thương hiệu của Lạc Hồng cũng không sai. Những thành công của đội Robocon Lạc Hồng không phải là kết quả nhất thời. Đó là kết quả của cả một chính sách trong ưu tiên đào tạo của chúng tôi, đặc biệt khuyến khích nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, những phần mềm của sinh viên Lạc Hồng đã được sử dụng ở nhiều nơi.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (Báo Đồng Nai)

giáo dục, robocon, đào tạo, nhà giáo


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        7,826,168       1/630