Tin tức

Nội dung tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp trực tiếp tại ĐH Lạc Hồng

Chương trình lần này được tổ chức tại Trường ĐH Lạc Hồng (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Hơn 2.000 học sinh từ các trường THPT trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom về tham dự.


Sau đây là một số nội dung trong chương trình tư vấn trực tiếp, dưới sự ghi nhận của phóng viên:

 

Có mặt tại buổi tư vấn khá sớm, học sinh Huỳnh Thị Hồng Duyên (Trường THPT Vĩnh Cửu) đem theo băn khoăn: “Em thích làm nghề bán thuốc, muốn học trường ĐH Y dược nhưng không biết ngành này điểm chuẩn bao nhiêu, học trong bao lâu và trường lớp, thầy cô như thế nào”.

 

Bên cạnh đó, một nhóm học sinh Trường THPT Trịnh Hoài Đức lại mang một “trọng trách” lớn khi là đại diện của học sinh trong trường đến nghe tư vấn. Một bạn là lớp trưởng, nói: “Do điều kiện xa xôi, trường em cách khu vực tư vấn gần 30km” nên cả trường chỉ có khoảng 50 bạn được tham dự. Sau đó tụi em cố gắng nghe thật kĩ để về tư vấn cho những bạn khác”.

 

Tại sân trường, những sinh viên tình nguyện là sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng đã tổ chức những trò chơi “đố vui có thưởng” xem bạn học sinh nào hiểu rõ ngành học mình lựa chọn nhất, chú robot của sinh viên trường thiết kế cũng “chào đón” các bạn thí sinh ngay tại cổng vào. Ngoài ra, các tiết mục văn nghệ đặc sắc cũng hâm nóng bầu không khí của chương trình tư vấn.

 

Mở đầu chương trình, TS Trần Hành, hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng phát biểu: "Tôi chân thành cảm ơn chương trình tư vấn của báo Tuổi Trẻ. Tôi hi vọng rằng chương trình sẽ truyền tải cho các em những thông tin chính xác trong kì thi ĐH-CĐ sắp tới. Chương trình sẽ giúp các em định hướng ngành nghề, tôi hi vọng buổi tư vấn sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp”.

 

Bước vào phần tư vấn chung , PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - giới thiệu những nét chung về kì thi tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2011.

 

SAU ĐÂY LÀ NỘI DUNG TƯ VẤN:

 

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng nói: Tôi xin nói về những điểm mới trong kì thi tuyển sinh ĐH – CĐ. Có ba điểm mới:

Thứ nhất, học sinh nước ngoài học các trường đại học mà không cần thi đại học, các trường này chỉ cần kiểm tra khả năng tiếng Việt.

Thứ hai, thời gian nộp hồ sơ dự thi: Ngày 14-3 đến 14-4. Đợt này, các  bạn học sinh học tại trường THPT nào thì nộp tại đó, đối tượng khác nộp tại các điểm so Sở GD-ĐT qui định. Sau đó, các bạn có thể nộp thêm từ ngày 15-4.

Thứ ba, khi thí sinh trúng tuyển không cần làm hồ sơ nhập học mà chỉ cần mang những giấy tờ liên quan đến đối tượng, khu vực.

 

Ngoài ra những phần khác đều giống như những năm trước. Cụ thể như sau: kì thi năm 2011, thực hiện theo phương thức ba chung: Chung đợt, chung đề thi, sử dụng chung kết quả để xét tuyển.

 

Về chung đợt: Ngày 4,5/7 thi khối A,V, ngày 9,10/7 thi B,C,D và các khối còn lại Đợt ba, ngày 15,16-7 thi CĐ. Nếu các bạn không trúng tuyển, những đạt điểm sàn sẽ được cấp phiếu điểm số 1,2 để xét tuyển từ 25-8 đến 10-9. Sau đó, đợt ba từ ngày 15-9 đến 30-9.

 

Thực chất chúng ta chỉ có một nguyện vọng ghi trong hồ sơ. Khi nào chúng ta trượt NV1 thì lúc đó mới nghĩ đến NV2,3. Điều kiện để xét NV2,3 thì phải…trượt NV1 nhưng điểm thi của các bạn bằng và cao hơn điểm của Bộ GD-ĐT qui định. Các bạn chỉ được sử dụng giấy chứng nhận điểm số 1 để xét NV2, dùng giấy số 2 để xét NV3 và không dùng bản photo. Sau khi chúng ta không trúng tuyển NV1, từ ngày 15-8, nếu trường nào thiếu chỉ tiêu sẽ đăng trên các phương tiện thông tin để xét tuyển thêm.

 

Các thí sinh tỉnh Đồng Nai tìm hiểu thông tin tuyển sinh từ quà tặng của báo Tuổi Trẻ -  Ảnh: Minh Đức

 

* Làm thế nào để xác định ngành nghề phù hợp với khả năng? Nên chọn ngành theo năng lực hay sở thích?

 

- TS Phạm Tấn Hạ: Đây là 1 câu hỏi mà nhiều thí sinh quan tâm. Một trong những vấn đề quan trọng là phải xác định khả năng của mình, sở trường của mình là gì? Chọn nghề theo sở thích chúng ta sẽ rất dễ thành công. Tuy nhiên sở thích là 1 việc còn năng lực của mình có đáp ứng được hay không lại là một chuyện khác. Chẳng hạn có bạn thích báo chí, ngành này điểm chuẩn rất cao, liệu khả năng của các bạn có đủ để trúng tuyển không? Nếu không đáp ứng được chúng ta có thể đi đường vòng, chọn một ngành nghề phù hợp với mình để phát huy hết nhiệt huyết, năng lực của mình.

 

Nhà trường chỉ xây cho bạn cái móng, khi tốt nghiệp tùy năng lực của mình mà các bạn phát huy tối đa những điều sở trường của mình. 

 

* Thưa thầy, làm thế nào để bớt căng thẳng, mệt mỏi khi thi?

- Ths.BS Trương Tấn Trung: Trong kì thi nào, tất cả các bạn đều có trạng thái lo lắng, suy nghĩ không biết mình có đạt được kết quả như mong muốn hay không.

Về mặt y khoa mà nói, khi chúng ta quyết định làm một việc gì đó chúng ta nên suy nghĩ thật kĩ xem kiến thức của mình đã đạt được đến mức nào.

Mình đánh giá khả năng mình lại, so sánh một lần nữa với bạn bè cùng trang lứa với mình qua đó cố gắng trau dồi, học hỏi thêm.

Khi đó, bước vào kì thi sẽ bớt lo lắng đi. Các bạn phải quan tâm đến sức khỏe, dinh dưỡng đấy đủ sẽ làm tư duy sáng láng hơn, đầy đủ hơn để bước qua kì thi một cách tốt nhất. Chúc em thành công!

- ThS Lâm Tường Thoại: Đôi khi chúng ta bị ngộ nhận về sở thích. Có thể do chúng ta nghe theo bạn bè, thích sự hào nhoáng của ngành đó. Chúng ta chọn ngành cần tính đến chuyện lâu dài sau này. Các bạn có thể hỏi ý kiến phụ huynh, thầy cô giáo, bạn bè... để xác định được ngành nghề phù hợp bên cạnh sở thích của mình.

 

Khi đã xác định được ngành mình yêu thích thật sự, chúng ta cần xem lại khả năng học tập của mình. Cùng ngành đó nhưng mỗi trường có điểm chuẩn khác nhau. Do đó, khi đã chọn ngành, chúng ta phải chọn trường phù hợp. sau đó là đề ra kế hoạch học tập hợp lý.

 

Nếu năng lực chúng ta không đủ vào ĐH chúng ta có thể chọn học CĐ, TCCN để sau này liên thông lên ĐH.

 

* Em là người giao tiếp kém, hay hồi hộp trước đám đông, em có thể thi vào QTKD, tài chính ngân hàng?

 

- ThS Trần Thế Hoàng: Thật ra không phải cũng có khả năng nói chuyện lưu loát trước nhiều người, ngay cả các thầy tư vấn nhiều khi nói cũng bị lắp bắp. Ở lĩnh vực kinh tế, không phải ngành nào cũng đòi hỏi liên tục giao tiếp.

 

Nếu ở những ngành như marketing, các bạn có thể làm việc ở bộ phận xây dựng chiến lược marketing. Hay như ngành ngân hàng, làm ở các lĩnh vực kế toán, văn phòng thì sẽ không quá chú trọng kỹ năng giao tiếp. Chúng ta chọn ngành và chọn vị trí phù hợp với khả năng của mình.

 

- ThS Hứa Minh Tuấn: Bây giờ các em giao tiếp chưa tốt nhưng tại sao em biết em giao tiếp chưa tốt? Hầu hết SV khi theo học, ngoài học chuyên môn các em phải học thêm nhiều kỹ năng như ngoại ngữ (phải nói nhiều), vi tính, sinh viên phải làm việc theo nhóm, báo cáo chuyên đề...

 

Do đó, khi tốt nghiệp các em có thể sẽ giao tiếp rất tốt. Nếu em thích nhóm ngành kinh tế như thế thì các em nên chọn học ngành này. Trong quá trình học, các trường sẽ hỗ trợ tăng cường kỹ năng để khi ra trường các em có thể làm việc tốt hơn.

 

Rất đông các thí sinh của tỉnh Đồng Nai đã đến dự chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2011 tại trường ĐH Lạc Hồng chiều 20-2 - Ảnh: Minh Đức

 

* Cho em hỏi ngành quản trị luật học những gì?

 

- ThS Lê Văn Hiển: Ngành này đào tạo song ngành, người học có kiến thức của cả 2 ngành luật và quản trị kinh doanh. Tuy nhiên từ 2011 ngành này sẽ chuyển thành ngành QTKD. Phần kiến thức sẽ có khoảng 70% về QTKD, 30% về luật.

 

* Giữa sở thích của em và cha mẹ thì nên chọn đường nào?

- TS Nguyễn Văn Thư: Đang có một sự “xung khắc” trong việc chọn ngành nghề giữa các bạn trẻ và cha mẹ. Nên có một sự trao đổi thoải mái, kĩ lưỡng để đưa ra quyết định. Nên xem kinh nghiệm của cha mẹ có tốt hơn cho em hay không. Nên xem ý kiến của em có bồng bột quá hay không. Con trai tôi học ngành kinh tế kĩ thuật của ĐH Bách khoa chứ không chọn trường cha mẹ.

Quan trọng ở đây là thảo luận để thống nhất về chọn ngành nghề.

* Có phải đề thi ĐH năm nay sẽ khó hơn năm 2009? Thí sinh đạt giải quốc gia được ưu tiên như thế nào?

 

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Đề thi do Bộ GD-ĐT ra nên chúng ta sẽ không biết được đề dễ hay khó như thế nào. Tuy nhiên theo qui định, đề thi ĐH chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, không đánh đố nhưng đề thi có phân loại học sinh giỏi, khá, trung bình. Các em cần bám sát chương trình sách giáo khoa.

 

Học sinh đạt giải Olympic quốc tế được tuyển thẳng ĐH.

 

Các em đạt giải quốc gia sẽ được ưu tiên xét tuyển vào ĐH với điều kiện các em phải thi ĐH, điểm thi phải từ điểm sàn trở lên, ngành học phù hợp với môn đạt giải.

 

* Thế nào là NV1B?

 

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: NV1B hiện có ĐHQG TP.HCM áp dụng. Nguyện vọng này dành cho thí sinh chưa trúng tuyển NV1, có đăng ký xét tuyển NV1B và các ngành có tuyển NV1B còn thiếu chỉ tiêu. Việc đăng ký xét tuyển NV1B được thực hiện khi thí sinh làm thủ tục dự thi.

 

Phía sau giấy báo dự thi sẽ có hướng dẫn đăng ký xét tuyển NV1B. Nếu không trúng tuyển NV1B, thí sinh vẫn được cấp giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét tuyển NV2, 3. Nếu không muốn học NV1B, trong vòng 1 tuần sau khi công bố kết quả, các em liên hệ với trường để xin rút khỏi NV1B.

 

* Theo em biết chỉ có học lực khá, giỏi mới được học liên thông. Thầy giải thích giúp em?

 

- ThS Hứa Minh Tuấn: Khi trượt ĐH, chúng ta học THCN hay CĐ thì các em nghĩ đến học liên thông. Theo qui định 06 của Bộ GD-ĐT, tất cả học sinh đều được học liên thông. Nếu tốt nghiệp CĐ loại khá trở lên thì được miễn thâm niên công tác và được học ngay ĐH. Điều kiện học trung bình thì sau khi có thâm niên công tác một năm thì mới được liên thông lên ĐH. Xin chúc em thành công!

 

* Luật kinh doanh và luật thương mại khác nhau thế nào?

 

- ThS Lê Văn Hiển: Đây là 2 chuyên ngành chuyên sâu của ngành luật. Dù học chuyên ngành nào thì khi ra trường các bạn đều được cấp bằng cử nhân luật.

* Thưa thầy, có ngành kiến trúc nào thích hợp với con gái không?

 

-TS Nguyễn Văn Thư: Chỉ có những ngành nào ghi rõ “không tuyển nữ” thì mới phân biệt điều bạn vừa nói. Còn tất cả những ngành khác đều phù hợp với nữ. Đặc biệt ngành kiến trúc thầy nghĩ rất hợp với những bạn nữ. Em hãy mạnh dạn đăng kí.

 

Tuoitre.vn - Nhóm PV TTO

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        9,714,766       2/1,044